Nhỏ, lẻ, manh mún
Đây là cụm từ được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics nhắc đến nhiều nhất khi nói về logistics hàng không. Không cần đi đâu xa, ngay tại khu vực lân cận sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài – hai sân bay lớn nhất cả nước, dễ dàng nhận thấy độ “nhỏ, lẻ” của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam khi mỗi doanh nghiệp chia nhau sở hữu vài ba nghìn mét vuông, chẳng khác gì “nhà mặt phố chia lô”. Thực tế này khiến doanh thu và một lượng lớn ngoại tệ hàng năm chảy ngược vào túi các doanh nghiệp nước ngoài.
Chuyên gia hàng không Trịnh Như Long, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN cho biết, thông thường sân bay phải có một khu vực logistics riêng, không nhất thiết nằm trong mặt tiền sân bay nhưng cố gắng phải gần sân bay nhất. Nhưng hiện tại, ngay cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều chưa làm được điều này. Doanh nghiệp nào bố trí được ở đâu là cứ “mạnh ai nấy làm”.
Hiện tại khá phổ biến trường hợp DN có hàng nhưng không có nơi để xử lý hàng hoá lại phải đi thuê lại kho hàng, thuê lại nơi xử lý hàng hoá của DN khác. Cũng vì vụn vặt, nhỏ lẻ nên không DN nào muốn, hoặc đủ điều kiện để đầu tư những dây chuyền tự động xử lý hàng hoá. Chi phí do đó bị đội lên. Phải đến khi làm quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành Việt Nam mới khắc phục được hạn chế này vì ở đó được quy hoạch một khu đất gần 200ha ở phía Nam sân bay.
Tương tự, việc trung chuyển hàng hoá quá nhiều cũng khiến đội chi phí. Với hàng hoá, vận chuyển đa phương tiện làm sao phải chuyển từ đường sắt, hoặc đường bộ lên thẳng kho để ra máy bay. Nhưng hiện nay ở Hà Nội, hàng hoá thường đi đường bộ đến kho hàng hoá tại Gia Lâm, hoặc Long Biên, sau đó lại tiếp tục vận chuyển đường bộ một lần nữa lên Nội Bài, từ đó mới lên được máy bay.
Ông Trịnh Như Long lấy ví dụ về Samsung như một điển hình của việc tối ưu hoá dây chuyền logistics hàng không. “Samsung sản xuất ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đóng gói, thông quan hàng hoá ở ngay kho của họ, vận chuyển về đến Nội Bài là lên thẳng máy bay của Korean Air Cargo ngay. Chi phí vì thế rất thấp”, ông Long nói.
Hạn chế khác của logistics hàng không được một chuyên gia đến từ Công ty CP Logistics hàng không (ALS) chia sẻ là sự thiếu kết nối giữa các phương tiện vận tải khác nhau để tạo chân hàng cho vận tải hàng không. Đây là do lịch sử để lại, vì trước kia vận tải hàng không chưa đáng kể. Tuy nhiên, thực tế giờ đã khác. Sản lượng vận tải hàng hoá hàng không đang tăng lên nhanh chóng.
Số liệu thống kê từ Cục Hàng không VN cho thấy, thị trường vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình từ 15,6%/năm trong giai đoạn từ năm 2011 – 2017. Riêng năm 2017, tổng thị trường hàng hoá hàng không đạt xấp xỉ 1,13 triệu tấn, tăng 25,9% so với năm 2016. Trong số này, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam năm 2017 đạt 318 nghìn tấn hàng hoá, tăng 11,3%.
Cách nào “thông” dòng chảy logistics hàng không?
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), để thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không, cần có sự đầu tư của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. “Logistics hàng không cần một lộ trình đúng hướng đáp ứng nhu cầu trong nước và trên thế giới, cũng như cần tương thích với chuẩn mực quốc tế”, ông Quang nói.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, đơn vị này đã có nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí logistics hàng không. Đầu tiên là xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho việc phát triển loại hình vận tải đa phương thức nội địa, quốc tế, kinh doanh hàng không chung. Kế đó, cần phát triển các trung tâm dịch vụ logistics tại các cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.
Cục Hàng không VN cũng đề cập đến việc phải ưu tiên kết nối vận tải đa phương thức; tăng cường phát triển các kho hàng hoá, bãi chứa container; Đẩy mạnh khả năng kết nối vận tải hàng không với các loại hình vận tải khác; phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển hoàn chỉnh hệ thống kho vận tại các CHK quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu của dây chuyền logistics.